Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

3 Điều cần tỉnh ngộ trước khi quá muộn

Gặp việc không học, lúc cần dùng đến lại hối hận

Cổ nhân có câu: “Đến lúc cần dùng đến sách vở, mới ân hận là tri thức của mình quá kém”. Như một quy luật của cuộc sống, cứ trải qua một vài việc thì trí tuệ của con người được tăng thêm một phần.

Nếu như một người có thể duy trì mãi tinh thần ham học hỏi, học tập bất cứ lúc nào thì chắc chắn họ có thể tích lũy được kinh nghiệm ngày càng nhiều và khiến bản thân ngày càng trưởng thành, thành thục hơn.

Con người thực sự già yếu nếu ngày càng rời xa học hỏi. Trong cuộc sống, rất nhiều người vì không ham học hỏi nên thiếu hiểu biết, khi gặp việc khó thì hối hận đã không kịp.



Khi giàu không chịu cần kiệm, nghèo mới xót xa

Ông bà ta hay có câu “miệng ăn núi lở”. Ám chỉ nếu con người sống mà không biết cần kiệm, mà chỉ biết hưởng thụ lãng phí xa hoa, thì người giàu có đến đâu, bạc tiền nhiều đến mấy cũng nhanh chóng cạn kiệt.

Nếu con người một khi khi đã quen với sự giàu sang xa xỉ, rồi đến một ngày nào đó gặp phải vận nghèo hèn, thì chắc chắn khó mà chịu khổ nổi. Khi đó có ngồi hối hận trách thân than phận thì cũng đã muộn rồi.

Vì vậy, dù ở mọi hoàn cảnh nào, cho dù có giàu sang cỡ nào thì cũng phải biết khiêm nhường cần kiệm.

Lúc khỏe mà không điều dưỡng thì lúc bệnh sẽ hối hận


Theo tâm lý của người khi bị bệnh, mệt mỏi thường sẽ nghĩ lại và hối hận trước kia đã không làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nhưng khi bệnh có chuyển biến tốt thì người ta thường lại quên mất đạo lý này.

Lúc còn khỏe mạnh thì không ngừng tính toán danh lợi, tự do trong rượu và sắc, không để tâm tiết chế dục vọng mà khiến ăn không ngọn, ngủ không yên. Đến khi cơ thể mắc bệnh, lại rơi vào hối hận, đau xót.

Có lẽ, đây chính là vòng quay tuần hoàn mà con người thường hay mắc phải.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Ngồi thiền đúng cách là như nào?


Ngồi thiền theo quan niệm truyền thống là một việc mà các nhà sư nơi chốn cửa phật ngồi tĩnh tâm để suy nghĩ những việc xảy ra trong ngày. Nhưng với thời hiện đại, thiền được chứng minh là một trong những phương pháp để rèn luyện sức khỏe, nhưng không phải ai cũng biết ngồi đúng cách. Vậy ngồi thiền đúng cách là như thế nào?

Ngồi thiền đúng cách là ngồi ở tư thế tay phải đặt vào tay trái, lòng bàn tay hướng lên, nâng nhẹ hai ngón cái đặt hai đầu ngón chạm vào nhau. Chân bắt chéo nhau, chân trái đặt lên trên đùi chân phải và ngược lại chân phải đặt lên đùi chân trái. Hạ thấp vai và thả lỏng cơ thể, lưng thẳng nhưng không căng quá mức. Mắt không mở hẳn nhưng cũng không nhắm hẳn, ngồi trên các xương háng để lưng không bị cong. Khủy tay hơi đưa ra để không khí có thể lưu thông tốt hơn, đầu hướng về phía trước cằm hơi thu vào. Miệng ở trạng thái tự nhiên nhưng lưỡi trên nên chạn vào hàm trên để miệng không bị khô trong quá trình ngồi thiền.

Nguồn: thienviet.edu.vn

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Hãy sống tốt với đời, đời sẽ tốt với bạn

Giữ bình tĩnh, đừng chấp cứ những tranh cãi vặt vãnh, bạn sẽ chứng tỏ được mình hơn họ về bản lĩnh sống và kinh nghiệm ứng xử.

Giữ bình tĩnh

Một trong những cách để đối phó với những kẻ đáng ghét là hãy luôn là chính bạn và ngày càng trở nên tuyệt vời hơn. Họ không ưa bạn, họ làm mọi thứ trở nên khó chịu cũng là chủ yếu để xem phản ứng của bạn như thế nào và tìm cơ hội để hạ thấp đối phương. Vì vậy, đừng khiến họ dễ dàng đạt được mục đích ấy. Giữ bình tĩnh, sống tốt hơn và phấn đấu hơn thay vì để ý những chuyện nhỏ nhặt như vậy!



Không chấp nhận những cuộc chiến phi nghĩa

Họ không ưa bạn, muốn thách thức, gây chiến với bạn. Họ muốn xem thái độ và năng lực của bạn đến đâu thông qua những cuộc chiến mà họ làm chủ và đã nắm rõ trong lòng bàn ta”. Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải ai là người giỏi nhất, mà là bạn sống có ý nghĩa và cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm. Với những cuộc chiến vô nghĩa, bạn không nên mất thời gian để bị dính líu.

Hiểu rằng họ không ưu ai là quyền của họ

Bạn không thể làm dâu trăm họ, vừa lòng tất cả mọi người được. Những gì bạn đã, đang và sẽ làm sẽ vì cuộc sống sau này của bạn, của bạn bè, của những người mà bạn yêu thương, chứ không là chỉ để chứng tỏ cho những người không ưa mình.

Không bị ảnh hưởng bởi những lời cay độc

Những lời đáp trả có thể giúp bạn thỏa mãn cơn giận dữ nhưng cũng làm bạn tuột dốc không phanh trong mắt người khác. Lời nói là con dao hai lưỡi. Cho dù những kẻ đáng ghét có dùng lời lẽ khó nghe đến thế nào, hãy bỏ ngoài tai và cho rằng những điều đó không đáng để bạn phải bận tâm. Mục đích của việc phê bình là để giúp cho người khác tiến bộ, không phải để họ suy sụp và phiền não về chúng.

Đối mặt với những lời đồn

Không phải lúc nào im lặng cũng là vàng. Bạn cần biết khi nào cần phải im lặng và khi nào phải lên tiếng bộc bạch. Hãy đối diện trực tiếp với những người gây tiếng xấu cho bạn. Mềm mỏng và xử sự với họ một cách chân thành, chứng minh cho họ thấy những trò trẻ con đó không có tác dụng gì, và bạn bản lĩnh hơn họ rất nhiều.

Nếu như họ tiếp tục gây rối và làm phiền nhiễu thì hãy luôn tin rằng, bên cạnh mình vẫn còn người thân, bạn bè, những người thật sự đáng tin, hiểu rõ và luôn ở bên bạn dù bất cứ chuyện gì xảy ra.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người

Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người. Một người được đánh giá là tốt hay không chính là nhìn vào việc họ đối xử với cha mẹ thế nào, giữ tròn phận làm con ra sao.

Hiếu, chính là điều căn bản của đức hạnh. Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu). Người Á Đông coi hiếu thuận chính là phẩm chất quan trọng nhất, là bài học đầu tiên mà ai cũng cần phải biết.

Hiếu đạo cũng là điều mà mỗi một con người cần phải tuân thủ trước tiên, bởi đây cũng là điểm bắt đầu để người khác đánh giá, nhìn nhận một người.

Tại sao lại gọi là “hiếu thuận”? Bởi vì chỉ khi có đức hiếu, người ta mới có được thuận lợi trong đời.

Thật không hề ngẫu nhiên mà hai chữ “hiếu thuận” lại song hành cùng nhau. Bởi có “hiếu” thì mới có “thuận” vậy. Từ xưa đến nay, dù phương Đông lẫn phương Tây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những con người thành đạt, nổi danh trong trong xã hội thường là những người con có hiếu với cha mẹ.



Phụng dưỡng cha mẹ là hiếu đạo của phận làm con

Tạo hoá an bài con người khác xa tất cả động thực vật khác, một đứa trẻ khi sinh ra cần nương tựa, cần sự chăm sóc của cha mẹ. Điều này cũng gửi gắm cho chúng ta một hàm nghĩa: “Con người cần nương tựa vào nhau mà phát triển”, không thể đơn độc mà tồn tại, mà bước đi.

Chúng ta có thể thấy, chữ “Nhân” (人) được viết bởi 2 nét dựa vào nhau. Điều này chính là mang hàm nghĩa con người cần biết sống nương tựa vào nhau, che chở cho nhau. Vậy nên người phương Đông quan niệm rằng giữa cha mẹ và con cái là phải có sự liên hệ, thậm chí liên hệ rất mật thiết.

Khi cha mẹ còn trẻ, có thể kiếm tiền, thì phải có trách nhiệm chăm sóc con cái. Sau này mẹ cha già cả đi, không còn lao động được, lại đến lượt con cái phụng dưỡng họ. Mối quan hệ ấy chính là chữ “Hiếu” mà người ta thường nhắc đến vậy!

Trái lại, cũng có nhiều bậc cha mẹ để dành của cải, gia sản để dưỡng lão, phòng thân khi về già dùng đến. Rất nhiều người già cũng thường nói: “Không thể hoàn toàn tin tưởng vào con cái. Chỉ nên để lại một phần của cải cho chúng thôi. Nếu không sau này số phận mình sẽ rất đáng thương“. Con cái biết được điều đó cũng phản ứng rằng: “Cha mẹ đối với mình không tận tâm. Sau này mình cũng không phải tận tâm phụng dưỡng họ nữa“.

Cứ như vậy, dần dần giữa cha mẹ và con cái đã không còn chữ “Hiếu” nữa, đã mất đi sự ấm áp của tình thương. Tất cả nhường chỗ cho sự tính toán thiệt hơn, vốn đã không còn khái niệm người thân, người nhà nữa. Điều đó chẳng đáng buồn lắm sao?

Xã hội thay đổi, giá trị đạo đức cũng dần biến dị đi. Đạo hiếu vì thế cũng ngày càng mai một. Những câu chuyện hiếu đễ ngày xưa vốn là chuyện bình thường thì ngày nay được coi như “chuyện lạ”.

Ngoài tự nhiên, rất nhiều loại động thực vật không hề nhận được sự săn sóc, quan tâm của cha mẹ. Hạt mầm từ trên cây rơi xuống, chôn vùi trong đất nhiều tháng ngày rồi từ từ nảy mầm phát triển thành cây non, nào biết cha mẹ mình là ai? Còn con người chúng ta, tối thiểu cũng được cha mẹ chăm sóc 10, 20 năm đầu đời, nếu không thật khó mà tồn tại được.

Tạo hoá an bài cho con người khác xa toàn bộ động, thực vật khác. Khi mới lọt lòng, đứa trẻ yếu đuối cần được cha mẹ nâng niu, chăm sóc. Đó đương nhiên là nghĩa vụ của cha mẹ. Nhưng mối quan hệ máu mủ này sẽ nảy sinh ra thứ tình cảm gọi là: Hiếu. Con cái phải trả ơn dưỡng dục, sinh thành của mẹ cha. Đó chính là đạo lý, luân lý của đất trời, không thể sai khác được.

Nguồn: Tinh Túy

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Tiền có mua được hạnh phúc hay không?

Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có thể giúp đỡ và mang đến nụ cười cho những người xung quanh.

1. Sử dụng đồng tiền để vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nghỉ ngơi cho bản thân

Bạn chưa chắc sẽ cảm thấy hạnh phúc khi có rất nhiều tiền nhưng nếu bạn biết cách sử dụng và chi tiêu chúng một cách thông minh thì hạnh phúc sẽ tự đến với bạn.

Vì vậy, bạn có thể sử dụng chính những đồng tiền mà bạn kiếm được để chi trả cho các dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, sức khỏe và tận hưởng cuộc sống cho chính mình.

Hãy luôn dành cho bản thân một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách hay hòa mình vào những chuyến du lịch đó đây để trải nghiệm, học hỏi và trau dồi thêm kiến thức cho bản thân.

Đặc biệt, mỗi một chuyến hành trình sẽ là một bài học mới, một trải nghiệm thú vị và cũng là khoảng thời gian để bạn yêu chiều bản thân, chăm sóc sức khỏe, lấy lại tinh thần làm việc và nuôi dưỡng những cảm xúc hạnh phúc trong cuộc đời.



2. Sử dụng đồng tiền vào mục đích giúp đỡ, từ thiện và dành tặng cho những người thân yêu

Bất kì ai trong số chúng ta cũng đều cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi nhận được những món quà ý nghĩa từ những người xung quanh. Đặc biệt,người tặng quà cũng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc nếu biết món quà đó được người khác đón nhận và nâng niu.

Giúp đỡ và mang đến niềm vui cho người khác cũng chính là cách bạn đang mang hạnh phúc đến gần mình hơn. Những món quà đơn giản hay có giá trị thấp đối với bạn nhưng đôi khi lại là cả tài sản của một ai đó đang cần sự giúp đỡ.

Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có thể giúp đỡ và mang đến nụ cười cho những người xung quanh.

Vì vậy, bạn có thể sử dụng đồng tiền của bản thân để mua những món quà ý nghĩa dành tặng những người mà bạn yêu thương hoặc tham gia vào các quỹ từ thiện để cùng chung tay mang đến niềm vui cho nhiều người. Bởi hạnh phúc là khi bạn sẻ chia, cho đi và nhận lại được những nụ cười!

3. “Mua” kinh nghiệm sống và những trải nghiệm trong đời

Trên thực tế, trong một môi trường sống cụ thể, rất khó để bạn có được những cơ hội trải nghiệm và học hỏi nhiều điều trong cuộc đời. Vì vậy bạn có thể sử dụng đồng tiền để giúp bạn “mua” được kiến thức, kinh nghiệm sống và những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời.

Bằng cách tham gia vào các khóa học, các buổi diễn thuyết của những người thành công hay những hoạt động thiện nguyện sẽ giúp bạn trau dồi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng sống và nuôi dưỡng cảm xúc của chính mình.

Bởi khi bạn đã có kiến thức, sức khỏe và những trải nghiệm sống thì bạn sẽ nhanh chóng có được sự thành công. Và chỉ khi bạn đã thỏa mãn được với chính những mong muốn và khát khao của bản thân thì bạn mới có được cảm giác hạnh phúc trọn vẹn nhất.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Tuyệt đối không được nói 10 điều sau nếu không muốn tai ương

Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất đời người, tuyệt đối không được nói nếu không muốn tai ương.

1. Đừng nên đánh giá sự tốt hay xấu của người khác, bởi sự tốt xấu của họ không ảnh hưởng gì tới miếng cơm manh áo của bạn.

2. Đừng nên đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì chưa chắc bạn đã cao hơn họ.



3. Đừng nên đánh giá về gia cảnh của người khác, bởi nó không liên quan chút nào tới bạn cả.

4. Đừng nên đánh giá về tri thức học vấn của người khác, bởi trên thế giới này thứ mà con người luôn thấy thiếu nhất chính là học vấn.

5. Đừng nên đánh giá bất kỳ ai, cho dù đó là người bạn thấy coi thường nhất.

6. Đừng nên tiêu tiền một cách bừa bãi, bởi rất có thể ngày mai bạn sẽ bị thất nghiệp.

7. Đừng nên kiêu ngạo dương dương tự đắc, bởi ngày mai có thể bạn sẽ bị thất thế

8. Đừng nên phô trương một cách quá mức, bạn nên nhớ rằng không có ai nhỏ bé hơn bạn. Tóm lại làm người nên biết khiêm tốn.

9. Đừng nên dựa vào người khác, bởi cuộc sống mỗi người đều có rất nhiều gánh nặng, ai cũng muốn sống được thoải mái.

10. Đừng nên làm tổn thương người khác, bởi luật nhân quả sớm muộn cũng sẽ đến với bạn.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Lời Phật dạy cách vượt qua 3 cái khổ nhất trong cuộc đời

Kinh Phật dạy con người có 3 cái khổ trong cuộc đời, và con người ai cũng sợ khổ. Vậy làm thế nào để vượt qua 3 cái khổ này!

Khổ là một khái niệm quan trọng của Phật giáo, là cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ là một trong ba tính chất của sự vật và được đúc kết trong câu nhận định Đời là bể khổ.

Quan niệm khổ đau của Phật giáo có vai trò là kim chỉ nam dẫn lối cho con người nhận thức được sự khổ và giải thoát khỏi những nỗi khổ mà từ khi thọ thai đến khi nhắm mắt xuôi tay con người phải gánh nhận.

Không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu mới là Khổ. Khổ dùng để chỉ tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức, xuất phát từ Ngũ uẩn, chịu dưới quy luật của sự thay đổi và biến hoại. Như thế tất cả những điều an lạc đang có cũng là khổ vì chúng sẽ hoại diệt. Khổ xuất phát từ Ái (sa. tṛṣṇā) và con đường thoát khổ là Bát chính đạo.



Có ba cái Khổ nhất mà ai cũng phải trải qua:

Khổ tự nhiên

Khổ tự nhiên đến từ những nguyên do hết sức đơn giản, vì bất chợt những thứ không như ý trong cuộc đời. Cái khổ này là tự nhiên và cần thiết như bản năng sinh tồn trong đời sống giúp chúng ta biết rõ mức nguy hiểm đến mạng sóng để tránh. Biết sống tức là biết trân quí giá trị của cái khổ này của cuộc đời.

Khổ quả

Khổ này đến từ những nguyên nhân trong quá khứ, liên quan đến nhân quả, ấy là khi mình gây ra những nghiệp xấu từ kiếp trước, kiếp này phải gánh. Khổ quả mang tính giáo dục rất cao giúp mọi người tiến hoá trên đường giác ngộ giải thoát. Nếu không có khổ quả thì không ai biết được mình đã sai lầm như thế nào.

Khổ ảo

Đó là khổ chỉ do ảo tưởng mà ra chứ không hề có thật. Đó chính là Khổ Đế mà đức Phật nói đến trong Tứ Diệu Đế. Cái khổ này còn khổ hơn cả 2 cái trên. Khổ ảo là do con người tham lam quá, luôn muốn mình được cái nọ, cái kia, chính vì thế mà tạo nên nỗi áp lực đè nặng trong tâm. Khổ này có thể chấm dứt khi ta không còn ảo tưởng tham sân si.

Phật có răn dạy

Con người sống khổ cũng chỉ vì tham ái, sân, si. Những nỗi khổ tự nhiên đến từ những mưu cầu, dục vọng, ham muốn, chiếm đoạt, tranh giành…

Còn nỗi khổ quả thì đến từ quá khứ, còn người muốn diệt trừ thì phải năng tích thiện, làm việc tốt. Khổ ảo là do con người tham lam quá, luôn muốn mình được cái nọ, cái kia, chính vì thế mà tạo nên nỗi áp lực đè nặng trong tâm.

Con người đôi khi không khổ, nhưng tự mình làm mình khổ. Nói như vậy đôi khi Phật tử thấy lạ, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ nhận ra lời Phật dạy là đúng. Đức Phật dạy rằng nỗi khổ của con người phát xuất từ sự ham muốn, vì ham muốn không được nên khổ gọi là cầu bất đắc khổ. Vì vậy, Phật bảo chỉ cắt bỏ ham muốn, chúng ta sẽ hết khổ liền.

Nguồn: Tinh Túy

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Đừng bao giờ so sánh bản thân mình với người khác

Khi bạn sao sánh mình với người khác sẽ chỉ khiến bản thân thêm cô đơn và thất bại hơn thôi!

Đã là con người sao ai có thể giống nhau được, ngay cả anh chị em ruột còn có ngoại hình khác nhau huống hồ là tính cách hay số phận của mỗi người.

Bản thân chúng ta thường đặt mình trong vế so sánh khập khiễng với những người khác. Và trong mọi tình huống thì luôn đặt bản thân ở vế lép trong phép so sánh ấy. Khi nhìn thấy ai đó giàu có, xinh đẹp, học giỏi, thành công chúng ta luôn nghĩ về những cái xấu của mình.



Chính bản thân chúng ta thường ghét bố mẹ vì họ hay đem chúng ta ra so sánh với bạn bè. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ chính bản thân mình cũng đang tự hạ thấp cái tôi và thấy ghen tị với mọi thứ những người khác có. Bởi lý do đó mà bạn sẽ dễ dàng trở thành con người tự ti và luôn gò bó bản thân để giống người khác.

Cuộc sống của bạn là do chính bạn quyết định

Trên thế giới này ngoại trừ bạn ra thì chẳng ai đủ thực lực giúp đỡ bạn cả. Nếu có giúp thì cũng chỉ giúp đỡ tạm thời.

Dù bạn sinh ra không có ngoại hình ưa nhìn, nhà cũng không có điều kiện và ngay cả cái đầu cũng không thông minh thì bản thân bạn vẫn phải tôn trọng chính mình trước tiên.

Ừ thì vẻ ngoài xấu đấy, nhưng tính tình bạn không xấu là được. Khi bạn tốt tính thì sẽ có nhiều bạn bè yêu quý, có nhiều bạn bè thì cuộc sống sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn rất nhiều. Bạn sẽ hay cười nhiều hơn, và tất nhiên sẽ xinh đẹp hơn vì mình đẹp nhất khi cười mà.

Bên cạnh đó, có người tuy xinh đẹp, giàu có, nhiều bạn bè…nhưng chưa hẳn đã là sự thật hoàn toàn. Có nhiều người tiêu tiền không tiếc, ngày ngày đi shopping,….Tuy nhiên, số tiền đó là trợ cấp từ bố mẹ giàu có của họ chứ không phải là đồng tiền họ tự kiếm ra.

Hay nhiều anh chàng đẹp trai, ga lăng nhiều bạn gái nhưng họ chỉ trau chuốt vẻ bề ngoài để móc tiền từ những cô gái giàu có mà thôi. Nhiều người mua nhà to đẹp nhưng thực chất họ chả sở hữu cái gì hết vì đấy chỉ là một khoản nợ.

Thực chất còn nhiều sự thật khủng khiếp luôn được ẩn chứa sau bức tranh hoàn hảo của nhiều người. Họ có sự lựa chọn cách sống cho riêng họ và họ hài lòng vì điều đó.

Chính vì lẽ trên nên bạn đừng bao giờ ca ngợi hóa người khác và tự chế giễu bản thân. Bạn hãy tự hài lòng với cách sống của mình.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Nghe lời Phật dạy, chồng làm 9 điều này sẽ giúp hôn nhân trọn đời bền vững

Người phụ nữ sau khi kết hôn thì sướng hay khổ đều là ở tấm chồng, chẳng phải ngẫu nhiên người ta nói vậy.

Bởi người chồng chính là nơi họ cậy nhờ, nương tựa suốt cuộc đời. Gia đình chính là tế bào của xã hội, nhưng bản thân nó lại giống như một xã hội thu nhỏ.

Do vậy, quan hệ đạo đức trong gia đình là cái khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội.

Trong Phật giáo, Đức Phật cũng nhìn nhận vai trò của người chồng đối với hôn nhân vô cùng quan trọng.



1. Dịu dàng: Lịch thiệp và tôn trọng vợ trong vấn đề khi chăm lo những nhu cầu cần thiết của người vợ.

2. Lịch sự: Lễ dộ, sốt sắng, lịch sự và nhũn nhặn trong những cuộc bàn luận và tham khảo với vợ.

3. Thân mật: Luôn luôn vui vẻ, thân mật, cởi mở, hòa nhã với vợ trước mặt các bè bạn và khách đến thăm.

4. An toàn: Mục đích chính của người vợ tìm trong hôn nhân là sự an ninh do người chồng đem lại.

Trong phương diện này, người chồng được mong mỏi là một tháp canh kiên cố có thể đứng vững trước bất cứ hình thái đe dọa từ bên ngoài vào gia đình, luôn luôn cung cấp cho gia đình đầy đủ sự che chở và an ninh bất cứ lúc nào.

5. Công bằng: Là người chồng có trách nhiệm phải biết tha thứ, từ bi và khoan dung cũng như phải nhân từ với những nguyên nhân chính đáng cần được sự giúp đỡ của mình. Là người cha, phải công bằng và biết suy xét về những đòi hỏi của đứa con khôn lớn.

6. Chung thủy: Là người chồng hiểu biết, phải chung thủy tuyệt đối với vợ, và bênh vực vợ dù khó khăn đến mấy trong bất cứ hoàn cảnh trái ngược mà gia đình gặp phải.

Người chồng luôn giữ vững nguyên tắc, là người mà người vợ tin tưởng hoàn toàn, nương tựa để đối phó với bất cứ biến chuyển gì xảy ra cho gia đình.

7. Thành thật: Là người chồng trách nhiệm tính nết phải ngay thẳng, thành thật với vợ trong tất cả mọi vấn đề ảnh hưởng con cái. Người chồng không nên che đậy bất cứ bí mật nào đối với vợ vì việc này cuối cùng sẽ xói mòn lòng tín nhiệm và tin tưởng của người vợ vào chồng.

8. Người bạn đường tốt: Người chồng nên có một cá tính nhã nhặn để có thể hòa đồng với mọi tầng lớp xã hội. Người chồng nên có kiến thức để có thể đàm luận ở mọi trình độ xã hội, có thể giúp đỡ bất cứ ai cần đến mình giúp. Người chồng cũng nên có tính khôi hài để làm vui người nghe khi những người này muốn có bạn.

9. Sự ủng hộ tinh thần: Là người chồng trách nhiệm, phải vững vàng đứng bên cạnh vợ cho đến lúc cuối cùng để đối phó với bất cứ tình huống nào xảy ra cho người vợ, ủng hộ tinh thần người vợ cần đến sự can đảm để vượt qua tình trạng khó khăn.

Nói thường sẽ dễ hơn làm nhưng nếu mỗi cá nhân trong gia đình đều cố gắng thêm một chút gia đình chắc chắn sẽ vẹn tròn hạnh phúc.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Những phương pháp hóa giải oan hận trên đời

Những phương pháp hóa giải oan hận trên đời

– Tha thứ để mọi nỗi tức giận tiêu tan

Nhận thức rõ hận thù sẽ làm con người tràn ngập khổ đau, dẫn dắt chúng ta ngày càng xa rời cuộc sống an lạc. Vì vậy, hóa giải hận thù là đi ngược chiều sinh tử, trở về nguồn cội bình an.

Vậy muốn chuyển đổi nỗi tức giận, oán ghét giữa bản thân với người khác, tự mỗi người phải hóa giải mọi vướng mắc xấu ác, thù hận trong suy nghĩ, lời nói, việc làm, sinh hoạt hàng ngày để mình và người thoát khỏi sự khổ, luôn sống trong cảm giác an lạc; đó là mục tiêu mà Đức Phật đã thành tựu trọn vẹn.

Trước khi để người khác không còn oán giận thì tự tâm chúng ta phải tập tha thứ cho những người làm điều có lỗi và tổn thương đến ta.



Cũng giống như Đức Phật từng tha thứ cho Bạt Đà Bà La Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ, đã từng mắng chửi, nói xấu, ném đá hại Phật, để rồi sau này Bạt Đà Bà La Bồ tát đứng đầu 500 vị Bồ tát hội Pháp Hoa hộ trì cùng Như Lai.

Như vậy, sau khi tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, để họ yêu quý và hết lòng vì chúng ta. Thì lúc đó, ta mới hóa giải nỗi hận thù phát xuất từ mối nhân duyên ta nợ người khác, có lỗi với người đang oán trách ta. Với những ai đã hiểu và yêu thương chúng ta, họ sẽ là người giúp hóa giải hiềm khích, ân oán với người mà ta mắc nợ từ nhiều đời nhiều kiếp.

Tuy nhiên, căn bản của việc chuyển đổi hận thành yêu phải tự do bản thân hóa giải. Mỗi người nên hiểu rằng, tập họp người tốt bênh vực mình, giúp mình hóa giải oán thù với người khác không phải là kêu gọi và dụ dỗ mà thật ra từ tâm ta phát khởi cả.

Đức Phật dạy rằng tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… chính là ma quỷ trong lòng ta.  Ta đánh đuổi chúng bằng cách tu cho thành tựu các thiện pháp là tín, tàm, úy, vô tham, vô sân, vô si, v.v… Khi để những điều tốt đẹp này nảy nở trong lòng thì những người tốt trong xã hội sẽ tự tìm đến ta mà hợp tác, giúp đỡ.

– Tự sám hối, nhận lỗi khi làm sai

Tự thân nhận lỗi, hổ thẹn với lòng khi làm điều gì sai là một cách để hóa giải xung đột, hận thù giữa người với người. Bởi lẽ, khi làm sai mà ta càng cố chấp, cho rằng mình có địa vị cao hơn, giàu có hơn, lớn tuổi hơn… mà không chịu thừa nhận cái sai, o ép người dưới mình.

Như vậy, họ sanh tâm tức giận mà từ đó, oán thù mới phát khởi. Nếu tự biết mình sai mà thừa nhận, sám hối thì người kia đâu có tức giận làm gì. Đó mới là cách hữu hiệu để hóa giải những ác nghiệp nhiều đời và không tạo thêm nghiệp xấu mới.

– Buông xả

Sự tức giận trong tâm ta, đôi khi bản thân tự bào chữa rằng làm vậy vì lẽ công bằng, để mọi người phải nhìn nhận mình sai chỗ nào mà sửa đổi hoặc cho rằng không còn lựa chọn nào khác. Thế nhưng, vận mệnh cuộc đời con người lại không phải do chính bản thân mỗi người quyết định.

Cái chết ập đến, khổ đau chầu chực, bất hạnh có thể diễn ra với ta bất cứ lúc nào. Nếu khi nhắm mắt mà tâm không buông xả, mang theo món nợ ân oán của kiếp này để rồi kiếp sau gặp lại, oán oán lại chất chồng. Nếu mạnh dạn xé đi giấy nợ, thì tâm ta sẽ được thoải mái, an lạc.

Còn giữ tâm sân hận trong lòng, chẳng khác nào như tự thiêu đốt chính mình và người thân. Trong ngọn lửa của oán thù, kẻ thù chưa chắc đã bị đốt, trái lại, người ôm hận đang tự giết chính mình.

– Dùng chất liệu tình thương để hóa giải hận thù

“Hận thù diệt hận thù

Đời này không có được

Từ bi diệt hận thù

Là định luật nghìn thu”.

Quả vậy, chỉ có tình thương, lòng từ bi mới có thể chấm dứt hận thù một cách vĩnh viễn. Đây là quy luật của muôn đời, nó không chỉ có giá trị trong hiện tại mà mãi mãi về sau.

Để tháo gỡ lòng hận thù, và không gieo rắc khổ đau cho người khác, tốt nhất ta chuyển suy nghĩ tiêu cực sang tinh thần khoan dung, rộng mở. Có như thế ta mới bước vào và mở rộng bầu không gian an lạc vô cùng tận.

Nguồn : Tinh Túy

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Chuyện duyên phận cứ để trờ cao an bài

Ở đời, có những thứ nếu thuộc về bạn, thì cuối cùng sẽ là của bạn; thứ không phải của bạn, thì dù cố tranh giành, cũng sẽ tự rời xa. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc.

Có một loại tôm khi còn nhỏ, chúng thường kết đôi chui vào trong khe đá. Hang đá nhỏ này, đối với chúng chính là một thiên đường, cho đến khi trưởng thành chúng lại không cách nào theo khe đá nhỏ đó mà đi ra.

Chúng ngay từ khi bắt đầu, đã lựa chọn một tình yêu độc nhất, không có đường trở lại, không cám dỗ, chỉ một lòng tới chết. Đối với chúng mà nói, nửa kia của chúng chính là cả thế giới.

Bạn phải hiểu, thứ bạn yêu không phải đoạn thời gian kia, không phải người ấy khiến bạn nhớ mãi không quên, cũng không phải yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, bạn yêu chỉ là cái phần non trẻ nhưng vẫn chấp mê bất ngộ của chính mình.



Buông không có nghĩa là bỏ cuộc, cố chấp không đồng nghĩa với kiên trì

Bình thản hơn một chút, cuộc sống sẽ hạnh phúc thêm vài phần. Người bình thản, sẽ không quá cao hứng khi khách quý chật nhà, cũng không ấm ức trong tâm khi người cuối cùng rời đi; khi thành công không quá đắc ý mà ngạo mạn, lúc thất bại cũng không nản lòng thoái chí. Bình thản có thể khắc chế cái tâm bốc đồng, loại bỏ tư tưởng hỗn tạp.

Bình thản là một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới, một loại tâm thái ẩn chứa nội hàm sâu sắc, có thể khiến người ta trong gian khổ mà vẫn thong dong tự tại.

Nếu như chia tay người yêu vẫn còn có thể làm bạn, hoặc là chưa từng yêu, hoặc vẫn đang yêu

Lúc còn trẻ, chúng ta vì một người nào đó, vì yêu hoặc chỉ vì cô đơn mà đến với nhau; nhưng sau những khổ não, chúng ta vì sao không cố chịu đựng để vượt qua mà lại lựa chọn đồng hành cùng người khác.

Tại mỗi thời điểm, tại từng ngã rẽ đều có những ám hiệu được đưa ra, nhưng khi đó chúng ta lại mờ mịt không biết. Lúc quay đầu nhìn lại, bỗng phát hiện mọi thứ đều rõ ràng trước mắt, mới mỉm cười mà lĩnh ngộ sự thống khổ, bi thương.

Dù cho một mình đối diện với thế giới này, vẫn có những điều bạn có thể và không thể làm

Núi rộng sông dài trên đời, chung quy đều là để chúng ta tự mình bước đi. Con người trên hành trình của cuộc đời, phải tự mình cứu lấy mình.

Không phải bạn cứ mệt mỏi, là sẽ có nơi nghỉ ngơi ấm cúng; không phải bạn khát nước rồi, sẽ có nước chảy từ núi cao; không thể khi bạn lạnh, sẽ có một bếp lò đỏ lửa. Nội tâm của mỗi người, đều có những vết thương không muốn người khác biết, cần có thời gian để phục hồi.

Mạnh mẽ thực sự, không phải là người không rơi nước mắt, mà là người nuốt lệ vào trong.

Hết thảy vấn đề, sau cùng nhất đều là vấn đề thời gian. Hết thảy phiền não, kỳ thực đều là tự tìm phiền não

Đối với cuộc sống của bạn, người có sức ảnh hưởng lớn nhất là chính bạn. Người quyết định bạn hạnh phúc hay khổ đau cũng chính là bản thân bạn. Nếu không có sự cho phép của bạn, bất kể thứ gì cũng không thể khiến bạn đau buồn hay vui vẻ.

Không ai cướp đi niềm hạnh phúc của bạn. Người có thể cướp đi điều đó là chính bạn, bởi vì bạn giao niềm vui của mình cho người khác nắm giữ. Bạn không cách nào ngăn chặn được cơn lũ, nhưng bạn có thể học cách kiến tạo một con thuyền.

Nếu như yêu nhau, hãy dắt tay nhau đến khi bạc đầu, nếu lỡ mất nhau, hãy chúc nhau hạnh phúc

Nếu bạn yêu tôi, hãy sát gần một chút, một chút nữa, nếu như không yêu, hãy rời xa hơn một chút, một chút nữa.

Yêu một người không yêu, tựa như chờ đợi một chiếc thuyền ở sân bay.

Bạn phải tin rằng trên thế giới nhất định có người dành cho bạn, cho dù giờ phút này bạn đang bị ánh sáng vờn quanh, bị tiếng vỗ tay bao phủ, hay lúc đơn độc đi trên đường phố ướt lạnh, nhưng người ấy nhất định sẽ xuyên việt thế giới này, đi về phía bạn. Người ấy nhất định sẽ tìm được bạn, bạn phải đợi.

Đừng để tương lai bạn phải chán ghét chính mình. Tôi đang cố gắng để trở thành chính mình. Cố gắng cường đại chi bằng sống bình thản hơn một chút

Cái gọi là con đường không giới hạn chính là không ngừng tha thứ cho những ai làm tổn thương bạn

Tình yêu là một con đường hai chiều, tình yêu đơn phương cũng cần có một điểm cuối cùng, là thời điểm rút lui.

Ta còn độc thân, không phải không dám yêu lần nữa, không phải sợ bị tổn thương, cũng không phải chưa quên được ai đó, chỉ là người thích hợp còn chưa xuất hiện. Người sẵn lòng bao dung ta, quý trọng ta, chịu đi cùng ta đến hết con đường, trước khi người ấy đến, ta không sợ cô đơn, thà thiếu chứ không thèm đồ đã bỏ.

Quá khứ tựa như một bàn tay, hoài niệm chính là chịu nhận một cái tát vào mặt.

Bất luận bạn ở đâu, nơi nào, đều phải học cách bước đi độc lập, như thế mới có thể trở nên vững vàng, mới có thể thản nhiên đối mặt với những cay đắng của thế gian.

Nguồn: tinhtuy.org

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

6 điều bạn nên tránh để không bị "tổn phúc bại lộc"

Chống đối, mâu thuẫn với cha mẹ là việc đứng đầu trong những việc làm “tổn phúc bại lộc”.

1. Thường xuyên sát sinh

Sát sinh là hành vi đứng đầu trong những hành vi làm hao tổn phúc báo nhanh nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, sát sinh là việc khó “đoạn tuyệt” được, nhưng nếu không nhất định phải sát sinh thì chúng ta hãy hạn chế sát sinh. Bởi vì sát sinh chính là cách làm hao tổn dần phúc báo của bản thân.

Đến khi đã hưởng hết phúc báo từ đời trước thì chúng ta sẽ phải chịu nghiệp báo của sát sinh gây ra.



2. Tức giận, oán giận, cáu kỉnh

Phát giận là điều cứu không được. Tức giận chính là “lửa thiêu rừng công đức”. Chỉ một cơn lửa giận có thể thiêu cháy hết cả phúc đức.

Người xưa thường khuyên rằng: Oán giận một lần đối với một người bình thường sẽ làm tiêu tan phúc đức tích lũy trong 100 kiếp. Oán giận một lần đối với cha mẹ, người lớn tuổi, người đại đức, sẽ làm tiêu tan phúc đức tích lũy trong 1.000 kiếp. Oán giận cha mẹ hậu quả rõ ràng nhất là “phúc mỏng mệnh nông”.

3. Xung đột với cha mẹ, người bề trên

Chống đối, mâu thuẫn với cha mẹ là việc đứng đầu trong những việc làm “tổn phúc bại lộc”. Vô luận là cầu cái gì cũng đều không đạt được, ngàn vạn lần cầu cũng uổng công bởi vì tích phúc không có mà tổn phúc lại nhanh. Sự việc, nhân duyên, làm việc đều không thuận…

Nếu như công việc không thuận lợi, cảm tình thống khổ, nhưng hiếu thuận với cha mẹ khiến cha mẹ an vui thì hết thảy thiên nhân, quỷ thần đều sẽ đến bảo hộ. Người không xung đột, không có mâu thuẫn với cha mẹ thì công việc sẽ thuận lợi, có nhân duyên tốt đẹp.

Nếu như từ nhỏ đã không có mâu thuẫn gì với cha mẹ thì cho dù xuất thân trong gia đình nghèo khó sau này lớn nên cũng có thể trờ thành người có sự nghiệp.

Người hiếu thuận nuôi dưỡng cha mẹ, tương lai tất sẽ giàu có, khá giả. Còn ngược lại thì cho dù làm đại quan cũng sẽ thiếu hụt tài phú.

Nói xấu xuyên tạc bậc thánh hiền, đại đức, một câu làm tổn hại 100 thiện, làm hỏng hết huyết mạch phúc báo của gia đình.

4. Oán trời trách người, bàn lộng thị phi, ghen ghét người khác

Những điều này làm tổn hại đức khí và hòa khí của trời đất, tài vận sẽ bị hủy diệt. Nếu như không có của cải của tổ tiên che chở thì nhất định sẽ bần cùng, làm việc không thuận. Oán trời trách người một lần sẽ làm tiêu tan ba thiện. Còn người gặp nghịch cảnh mà không oán trời trách người thì nhất định sẽ có hậu phúc và con cháu thịnh vượng.

Ghen ghét châm chọc, nói xấu người khác cái gì thì tương lai cũng sẽ phải chịu như thế.

5. Khoe khoang, khoa trương bản thân

Khoe khoang bản thân, ở đâu cũng đề cao mình, cũng tự mãn sẽ khiến quỷ thần ghen ghét mà phá bỏ. Cho nên, khoe khoang cái gì thì tương lai sẽ bị mất đi thứ đó.

6. Nói điều xấu, điều không đúng về người khác

Nói những điều xấu về người khác là làm tổn thương đến hòa khí giữa trời và đất mà chiêu mời tai họa mà quỷ thần giáng xuống. Hơn nữa, dùng một chút những lời nói đồn đại không đúng sự thật để khoa trương bản thân khiến cho người bị nói sẽ tức giận khó chịu thì sao có thể sống bình an đây?

Chúng ta cũng không thể yêu cầu người khác, xa lánh người thương tổn đến mình mà cho đó là tiểu nhân, ác nhân. Hãy mở rộng lòng mình mà bao dung hết thảy, chúng ta sẽ được nhiều hơn!

Người xưa có câu: “Thái sơn bất từ thổ nhưỡng, hà hải bất trạch tế lưu” là có ý khuyên rằng: Làm người phải tiếp nhận được hết thảy mọi người, kể cả người không cùng suy nghĩ, quan niệm và hành vi thì mới có thể thành tựu chính bản thân mình.

Nguồn: Tinh Túy

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

8 tội lỗi do uống rượu bia gây ra

Hiện nay, bia rượu tràn ngập khắp nơi, gây không ít hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đây cũng là thử thách to lớn cho người Phật tử trong việc thọ trì giới luật.

Y theo kinh văn ghi lại lời răn dạy của Đức Phật, người Phật tử giữ giới thứ năm là “Không uống rượu”. Vì rượu là chất gây say nghiện khiến người sử dụng mất tự chủ, không kiểm soát được lời nói và hành vi, dẫn đến tạo ác nghiệp.

Vào thời Đức Phật (cách nay gần 2.600 năm), chỉ có rượu là chất gây say nghiện mà thôi. Ngày nay, những chất gây say nghiện được con người tạo ra rất nhiều, ngoài rượu còn có ma túy các loại, bia cùng nhiều thức uống có cồn khác.



Do vậy, những bậc thầy thời hiện đại đã nương theo ý của Đức Phật, diễn dịch giới thứ năm của hàng Phật tử cần giữ gìn là “Không uống rượu và dùng các chất say” hay gọn hơn “Không say nghiện”.

Như thế, tất cả những chất gây say nghiện ngoài rượu, người Phật tử đã nguyện giữ giới thứ năm đều không được dùng. Trong quá trình thọ trì giới thứ năm, Đức Phật có du di (khai mở), người nào vì bệnh phải sử dụng thuốc rượu thì trước khi dùng phải xin phép thầy hoặc đại chúng, dùng xong liệu trình phải bạch thưa để chấm dứt.

Hiện nay, bia rượu tràn ngập khắp nơi, gây không ít hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đây cũng là thử thách to lớn cho người Phật tử trong việc thọ trì giới luật.

Thiết nghĩ, vì một lý do bất đắc dĩ nào đó mà phải uống tí bia, dẫu không say nhưng người Phật tử cần tự biết rõ mình đang bị khuyết giới, sinh tâm hổ thẹn rồi chí thành sám hối. Biết hổ thẹn mới tìm cách diệt trừ, quyết nói không với bia rượu.

Không nên cố tình hiểu sai “Phật chỉ cấm uống rượu” rồi tha hồ làm quấy, uống bia đến bí tỉ, tạo ác nghiệp “nay khổ đời sau khổ”.

Đức Phật dạy tiếp: “Rượu là thứ làm cho người uống hay sanh ra vô lượng tội lỗi”. Như trong Đại trí độ luận đã nói: “Uống rượu sinh ra 36 thứ tội lỗi, nên gọi là vô lượng tội lỗi”.

Đó là:

1. Người uống rượu say thì làm con đối với cha mẹ không biết kính thờ; làm tôi đối với vua không biết tôn trọng. Do đó mà cha con, vua tôi không có trên dưới.

2. Nói năng lộn xộn và hay sinh lỗi lầm.

3. Phạm tội lưỡng thiệt và ưa nói nhiều.

4. Nếu có việc gì cần giấu kín, nhưng khi say rồi thì đem nói tất cả.

5. Mắng chửi trời đất không hề sợ tội.

6. Nằm giữa đường sá không thể về nhà, mọi thứ đồ đạc mang theo đều bỏ mất hết.

7. Không thể tự sửa mình cho chính đáng.

8. Đi đứng ngã qua, ngã lại, lúc thì ngửa mặt lên trời, lúc lại gầm đầu xuống đất, có khi bị sa hầm, sa hố, thân thể bị tổn thương.

Nguồn: Tinh Túy